2- Quốc kỳ: " Hi No Maru" nghĩa là hình mặt trời trên nền trắng. Kích thước theo tỷ lệ thông thường là 2/3, hình mặt trời nằm ở giữa 1/3 chiều dài và 3/5 chiều ngang. Vì tự nhận là con cháu Thái Dương Thần Nữ nên lấy mặt trời làm biểu hiệụ Về nguồn gốc quốc kỳ, thời Mạc Phủ trước năm 1811, nguyên là phù hiệu của các đội thương thuyền khu vực Đông Á, nhưng sử dụng nhiều nhất là Nhật Bản. Năm 1854, được dùng như lá cờ của các thương thuyền Nhật và năm 1870, tức Minh Trị (Meiji) năm thứ 3, mới chính thức quy định kích thước và bắt buộc các thương thuyền treo. Dần dần, "cờ thương thuyền Nhật" được nói gọn là "cờ Nhật", được dùng như cờ quốc gia và thời Thế Chiến Thứ 1 và 2... được người Nhật và thế giới biết đến nhiều. Còn một lá cờ nữa, tương tự như quốc kỳ nhưng có thêm 16 tia sáng tỏa ra, nguyên là cờ quân đội và quân hạm, gọi là "Kyokujitsuki" cờ mặt trời mọc).
3- Quốc ca: " Kimi Ga Yo", nghĩa là "Quân Vương Đời Đời", hay "Bệ Hạ Vạn Tuế", tương tự bài "Đăng Đàn Cung" thời triều Nguyễn ở Việt Nam. Bài này, nguyên là bài hát xưng tụng Thiên Hoàng trị thế đời đời do ông Hiromori Hayashi, Trưởng Ban Nhạc thuộc Hoàng Cung và do một Nhạc Trưởng người Anh sáng tác năm 1880 (đời vua Minh Trị năm thứ 13), dựa trên một bài thơ trong tập thơ cổ "Wakan Roei". Dần dần, vì nhu cầu trình tấu với quốc ca của các nước Âu-Mỹ, đã biến thành quốc ca. Đảng Cộng Sản Nhật và tả phái kịch liệt chống bài hát này, nhưng năm 1999, chiếu tình hình thực tế, đảng này đã chính thức công nhận. Tuy vậy, vấn đề quốc kỳ và quốc ca vẫn còn là đề tài tranh luận. Chính Phủ do đảng Tự Do Dân Chủ (Jiyu Minshu) đã thúc đẩy việc pháp chế hóa bằng một sắc luật chính thức công nhận quốc kỳ và hát quốc ca ngày 22/7/1999, nhưng không kèm điều kiện bắt buộc chào hay hát. Phía nhóm Nhật Giáo Tổ là tổ hợp giáo chức thiên tả thì vẫn nhất định chống (nhất là quốc ca vì cho là sản phẩm phong kiến) và đòi phải trưng cầu ý kiến toàn dân. Từ năm 1999, bắt đầu cắm cờ trong các cuộc họp báo của Thủ Tướng, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng các Bộ Trưởng. Nhưng một số ký giả phản đối, vì trên nguyên tắc, các cuộc họp báo ở cấp bộ là do hội ký giả tổ chức. Và lễ Kính Lão ngày 15/9/1999, lần đầu tiên quốc kỳ chính thức được treo. Năm 1999, theo kết quả thăm dò, có 90,5% trường Tiểu Học hát quốc ca trong lễ tốt nghiệp.
4- Chim biểu tượng: Loài chim biểu tượng là chim trĩ tiếng Nhật gọi là " kiji".
5- Hoa biểu tượng: Thực tế không có chọn lựa chính thức, nhưng mặc nhiên coi Anh Đào và Cúc là hoa biểu tượng.
6- Văn tự: Có tới 5 loại chữ là chữ Hán, Quốc Tự (Chữ Hán do người Nhật đặt ra), Katakana, Hiragana và La Tinh.
7- Dân số: Khoảng 128.000.000 người năm 2005, gia tăng 0,2% mỗi năm, tỷ lệ sinh sản là 0,95%, tỷ lệ tử vong là 0,75%, nhưng từ năm 2007 bắt đầu giảm.
8- Tuổi thọ phái nam: 79,29 tuổi (2010, nhất thế giới).
9- Tuổi thọ phái nữ: 86,05 tuổi (2010, nhất thế giới).
10- Diện tích: Khoảng 378.000 km vuông, gồm 6.800 hòn đảo, trải dài từ 28 đến 46 vĩ tuyến bắc và từ 128 đến 146 kinh tuyến đông. Gồm 1 đô (to), 1 đạo (do), 2 phủ (fu) và 43 tỉnh (ken). Có 67% là núi, rừng và đồi cỏ, 13,3% đất nông nghiệp, 4,6% đất xây nhà...
11- Thủ đô: Tokyo với gần 13.000.000 người (2010).
12- Thành phố thứ 2: Yokohama với 2,9 triệu người, thứ 3: Osaka với 2,8 triệu người.
13- Tổng Sản Lượng Quốc Dân (GNP): khoảng 5.100 tỷ MK, lợi tức bình quân 1 đầu người khoảng 35.000 Mỹ Kim/1 năm.
14-Chế độ chính trị: Theo chế độ quân chủ lập hiến, có Thiên Hoàng chỉ giữ vai trò tượng trưng, như trao ủy nhiệm thư cho Thủ Tướng và các Bộ Trưởng, khai mạc khóa họp Quốc Hội, tiếp ngoại giao đoàn... nhưng ngay cả niên hiệu của Thiên Hoàng và nội dung các cuộc nói chuyện chính thức cũng do Nội Các đưa ra Nhật Bản theo chế độ Đại Nghị, có Thủ Tướng và Quốc Hội Lưỡng Viện. Hạ Viện nhiệm kỳ 4 năm, có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ Tướng, nhưng Thủ Tướng cũng có quyền giải tán Hạ Viện. Thượng Viện nhiệm kỳ 6 năm, nhưng cứ 3 năm bầu lại 1/2. Nếu có bất đồng giữa Hạ Viện và Thượng Viện thì Hạ Viện với 2/3 số phiếu nắm quyền quyết định tối hậu.
15- Núi cao nhất: Phú Sĩ Sơn (Fuji San hay Fuji Yama), cao 3.776 mét, thuộc tỉnh Shizuoka và Yamanashi.
16- Sông dài nhất: Shinano dài 376 km, ở tỉnh Niigata, phía tây Bản Châu.
17- Sông lớn nhất: Agano ở tỉnh Niigata, phía tây Bản Châu.
18- Hồ lớn nhất: Tỳ Bà Hồ rộng 607 km vuông, ở tỉnh Shiga, phía tây nam Bản Châu
19- Dùng Dương Lịch thay Âm Lịch (từ năm 1872), nhưng tục lệ Tết... vẫn giữ như cũ.
20- Tôn giáo chính: Thần Đạo và Phật Giáo (Bukkyo, tu sĩ nếu không chọn con đường làm Trưởng Môn Phái được phép lập gia đình, có con và đôi khi cha truyền con nối).
21- Thể thao hàng đầu: Dã cầu, túc cầu (bóng đá), nhu đạo, sumo...
23- Đường hầm dài nhất: Seikan dài 53, 85 km, nối Honshu và Hokkaido, dài nhất thế giới, phần chạy ngầm dưới biển dài 22 km, chỗ sâu nhất 240 mét, xây dựng trong 24 năm, hoàn thành năm 1988.
22- Cầu treo dài nhất: Akashi Kaikyo dài 3.911 mét, nhịp chính dài 1.911 mét, trụ cao 297 mét, nối Kobe và Awaji để đi lại giữa Honshu và Shikoku, hoàn thành năm 1998.
TỪ HUYỀN SỬ TỚI LỊCH SỬ: Theo thần thoại Nhật Bản trong Cổ Sự Ký viết vào đầu thế kỷ thứ 8, thuở ban sơ, vũ trụ chưa có hình thù. Có tới tám trăm vạn thần linh, sống ở trên Cánh Đồng Trời, từ đó nhìn xuống chỉ thấy bóng tối, sương mù và nước. Hai vị thần trong tuổi thanh xuân là chàng Izanagi và nàng Izanami nhận nhiệm vụ làm cho mặt đất đi theo đời sống mà sinh sôi nẩy nở. Họ bước qua Thiên Phù Kiều là chiếc cầu nối trời và đất, quậy sóng cho kết đọng lại mà thành đảo Onogoro và xuống đó, đây là sáng tạo đầu tiên của họ.. Họ bắt tay dựng trụ trời và xây nhà trên quê hương mới. Rồi hai vị thần trẻ quên mình là thần linh, sống như con người, kết hôn với nhau sinh "con" đầy đàn... là những đảo khác tạo thành quần đảo Nhật Bản ngày nay. Rồi Izanagi sinh ra thần Mặt Trời là nữ thần nhan sắc và ánh sáng (tượng trưng cho phụ nữ Nhật) từ mắt trái, thần Mặt Trăng từ mắt phải và thần Bão từ mũi của mình. Sau đó, nữ thần Mặt Trời phái cháu trai của mình là Ninigi giáng thế, ông đã chinh phục vùng Izumo. Ninigi gặp và lấy con gái xinh đẹp của thần Oyamatsumi sinh ra hai con trai là Hoderi và Hoori. Hoori sau lấy công chúa Thủy Cung Toyotama sinh được một con traị Người con trai này lấy em gái của Toyotama sinh ra bốn hoàng tử, họ chinh phục xứ Yamato. Sau khi các anh chết, Hoàng Tử út lên ngôi xưng là Thiên Hoàng Jinmu, được coi là Thiên Hoàng đầu tiên, gọi là Hoàng Kỷ (Koki, kỷ nguyên Thiên Hoàng), cai trị nước Nhật Bản sơ khai từ năm 660 trước Tây Lịch, đã truyền tới nay là 125 đời và ngày 11/2 hàng năm được coi là ngày kỷ niệm "Kiến Quốc".
Vào đầu kỷ nguyên, nơi đây có khoảng hơn 100 bộ lạc hay 100 xứ nhỏ, với vua hay nữ hoàng và tôn giáo riêng. Nhưng từ thế kỷ thứ 4, tức thời đại Đại Hòa hay còn gọi là" Cổ Phần", vì có nhiều phần mộ cổ lớn, một dòng họ đã thống nhất thành một nước khá lớn bao gồm một nửa phía tây-nam Bản Châu, Tứ Quốc và bắc Cửu Châu (tổng cộng bằng khoảng 1/4 toàn thể nước Nhật hiện nay), chính thức lên làm Thiên Hoàng và một tôn(g) giáo dân tộc là Thần Đạo.
Huy hiệu của Hoàng Gia là hoa cúc 16 cánh kép. Mỗi người trong hoàng tộc lại có huy hiệu riêng, thường được thiết kế trên văn thư, dụng cụ ăn... Đặc biệt, theo truyền thuyết, duy nhất một dòng họ Thiên Hoàng Nhật từ năm 660 trước Tây Lịch truyền tới nay gồm 125 đời, tuy rằng thực tế Hoàng Gia và người bình dân cho tới thời Minh Trị không có họ, chỉ có giới quý tộc mới có họ.. Có lẽ vì vậy mà không có chuyện tranh quyền vì dòng tộc.
Trong số đó, thời xa xưa có đúng 10 đời Thiên Hoàng là phụ nữ. Nữ Thiên Hoàng đầu tiên lên ngôi là Suy Cổ (Suiko, 554-628) đời thứ 33, và người cuối cùng là Hậu Anh Đinh (Gosakuramachi, 1740-1813) đời thứ 117. Theo truyền thuyết Thần Đạo, vua được coi là con trời nên tự xưng là "Thiên Tử" hay còn gọi là "Thiên Hoàng"chứ không gọi là "Hoàng Đế".
Người Nhật tự cho là con cháu Thái Dương Thần Nữ/Nữ Thần gọi là "Amaterasu Omikami" nên họ thờ Mặt Trời và tượng trưng bằng một cái gương tròn. Thời Mạc Phủ là thời các võ sĩ nổi lên tranh quyền với Thiên Hoàng và giới quý tộc, họ nắm thực quyền. Khởi đầu là Yorimoto No Minatomo, lập trung tâm chính quyền tại Kamakura (Liêm Thương) gọi là Mạc Phủ Kamakura (tương tự phủ chúa Trịnh và chúa Nguyễn thời Hậu Lê ở Việt Nam) và năm 1192 được phong là Shogun. Kế tiếp là Mạc Phủ Ashikaga kéo dài từ 1333 đến 1574. Chiến tranh triền miên giữa Mạc Phủ và các sứ quân khác, cuối cùng được thống nhất với sự xuất hiện của Nobunaga Oda (Chức Điền Tín Trường, 1534-1582) cai quản Kyoto và phụ cận. Kế tục là Hideyoshi Toyotomi (Phong Cơ Tú Cát, 1536-1598), rồi Ieyasu Tokugawa (Đức Xuyên Gia Khang, 1542-1616) được phong Tướng Quân năm 1603. Dòng họ Tokugawa thực sự chi phối toàn nước Nhật cho tới năm 1868.
Thời các Tướng Quân làm lãnh chúa, Thiên Hoàng yếu thế, có khi bị sứ quân uy hiếp hoặc ám hại, nhưng không ai cướp ngôi vua. Từ buổi bình minh của lịch sử, do bản năng sinh tồn, Nhật Bản đã là một quốc gia coi trọng võ nghiệp, bị cai trị chặt chẽ bởi Thiên Hoàng ở trung ương và các Sứ Quân, Lãnh Chúa ở địa phương cùng tầng lớp Võ Sĩ. Trong quãng dài lịch sử, đã xảy ra rất nhiều cuộc binh biến nội bộ và chỉ lập lại hòa bình từ sau khi Sứ Quân Tokugawa chiến thắng và dòng họ này 15 đời thống lĩnh quyền hành trong 265 năm. Thời kỳ đầu của Sứ Quân Tokugawa, xã hội Nhật Bản cũng đã có bốn giai cấp "sĩ, nông, công, thương". Nhưng Nhật Bản không có chế độ khoa cử như Trung Hoa, Việt Nam, nên sĩ ở đây là võ sĩ "Samurai" (Thị). Cuối thế kỷ 19, trong lúc uy thế Sứ Quân suy giảm thì Minh Trị lên ngôi Thiên Hoàng, được các phụ tá hết lòng phò trợ nên đã đánh dẹp các Sứ Quân và thu hồi quyền hành theo quan điểm Thần Đạo, chỉ có Thiên Hoàng mới đích thực là người thay mặt Thái Dương Thần nữ cai trị dân chúng. Bối cảnh khi đó bắt đầu thuận lợi cho việc cải cách vì xã hội bắt đầu hấp thụ văn minh, văn hóa Âu-Mỹ, biết trọng trí thức, biết trọng nhân quyền, giai cấp võ sĩ mất dần uy thế cho tới nay.
|